>> Chủ tịch VFF: 'Tôi không tham quyền cố vị' Đó thực sự là những cột mốc đáng nhớ với vị Chủ tịch VFF trong suốt thời...
Đó thực sự là những cột mốc đáng nhớ với vị Chủ tịch VFF trong suốt thời gian lãnh đạo của mình. Và, dù chẳng phải ai cũng nói ra, nhưng không ít người đã dành sự tôn trọng nhất định với ông. Ông xứng đáng nhận điều đó.Sẽ thật thiếu công bằng nếu phủ nhận những công sức của ông Hỷ trong suốt thời gian qua.
Ai là người dám ngồi “ghế nóng” sau khi tuyển Việt Nam thất bại tại Tiger Cup 2004 và vụ đền bù hàng tỷ đồng sau khi thuê nhầm phải “thầy rởm” Letard. Ai là người chỉ đạo phải làm tới cùng vụ bán độ của 23 Việt Nam ở SEA Games 25 một năm sau đó, rồi ai là người đồng ý ký hợp đồng với HLV Calisto, người đã làm nên trang sử vàng cho bóng đá Việt Nam. Xin thưa, tất cả đều có dấu ấn của ông Hỷ, người có quyền cao nhất ở VFF.
Thế nhưng, trong một môi trường bóng đá bát nháo như
Việt Nam, những dấu ấn của ông Hỷ để lại là quá ít, chưa đủ với một vị
trí có “quyền sinh, quyền sát” trong tay như ông. Bởi vậy mà, bóng đá
Việt Nam mùa nào cũng “có chuyện” liên quan đến công tác trọng tài, tiêu
cực, xin cho điểm, bạo lực sân cỏ, khán đài... Chẳng hiểu sau mỗi sự
cố, sau mỗi mùa giải biến động, ông Hỷ đã chỉ đạo những gì với cấp dưới
của mình.
Thì đây, ông Hỷ khẳng định bóng đá Việt Nam không
“sạch” trước bàn dân thiên hạ. Khẳng định thế cũng có nghĩa ông phải có
cơ sở, có căn cứ bởi với vị trí của mình, lời của ông chẳng khác nào là
vàng, là ngọc. Vậy mà sau cái tuyên bố nhìn thẳng vào sự thật ấy, ông
không có hành động nào để chứng minh lời mình nói. Sự im lặng của ông
chủ tịch VFF, càng khiến những vấn đề tiêu cực của bóng đá Việt Nam bùng
phát. Đến độ, giờ đây giới truyền thông và người hâm mộ đã phát chán
với những trò đi đêm, xin cho điểm, xử ép của trọng tài.
Không biết ông cũng hùa theo cái cảm giác chán ấy
không mà đã nhiều lần, ông dường như phó mặc. Chẳng hạn trận chung kết
ngược giữa Hải Phòng và Hòa Phát ở vòng 23 V-League mùa rồi. Có mặt trực
tiếp trên sân và thừa nhận trọng tài bắt trận đó mắc nhiều sai lầm ngớ
ngẩn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực. Nhưng sau đó, ông Hỷ đi thẳng về
khách sạn và... chấm hết, không có một quyết định mạnh tay nào hay chí
ít là chỉ đạo Hội đồng trọng tài cần phải “xử” để làm gương. Đó là chưa
kể, kết luận của ông giám sát trọng tài Nguyễn Trọng Thảo rất hồn nhiên:
“Trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cũng bị làm ngơ. Có một chi
tiết là trận đó ông Hỷ và ông Thảo lại ngồi cạnh nhau. Một người nhận
thấy sai sót của trọng tài nhưng mặc kệ, còn một người thì rõ ràng chẳng
hiểu mắt mũi để đâu, hoặc cố tình không thấy.
Ở V-League đã vậy, trên đội tuyển quốc gia vai trò của
ông Hỷ cũng mờ dần. Rõ nhất là vụ Calisto, có quyền quyết định cao nhất
nhưng ai cũng biết, chính Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng mới là người trực
tiếp khiến ông Tô phải nộp đơn xin từ chức vì đưa ra đòi hỏi phải đưa
U23 Việt Nam giành HC vàng SEA Games 26.
Sau SEA Games 26, ông Hỷ càng được nhắc tới nhiều khi
thay vì đối mặt với sự thật, về yếu kém của HLV Falko Goetz, người được
chính ông khẳng định là HLV ngoại giỏi nhất từ trước tới nay. Nhưng ông
lại không ra mặt. Những chuyến công tác bỗng dưng đúng vào thời điểm mà
người hâm mộ muốn lắng nghe chính kiến của ông. Ngay cả buổi mổ xẻ thất
bại của đoàn quân Falko Goetz, ông cũng vắng mặt nốt. Vậy mà chỉ trước
đó ít ngày, sau khi U23 Việt Nam vào được đến vòng bán kết, chính ông Hỷ
đã thông báo rộng rãi về khoản thưởng nóng một tỷ đồng.
Thế rồi trước sức ép của dư luận, ông Hỷ cũng đành
phải lên tiếng, nhưng cái cách trả lời của ông, khiến tất cả càng thêm
ngao ngán. Ông bảo rằng, ông không tham quyền cố vị, khi nhiều người yêu
cầu ông phải từ chức.
Sự phát triển của một tổ chức, luôn có tác động rất
lớn từ đường hướng của đội ngũ lãnh đạo. Bóng đá Việt Nam chưa đến mức
tồi tệ, nhưng rõ ràng là chúng ta đang đi lùi so với bóng đá khu vực. Đã
đến lúc cần phải có những thay đổi thượng tầng, mang tính cách mạng, từ
những vị trí đang không làm tốt được vai trò của mình.
Giờ thì nhiều người đã nghiệm ra một điều. Ông Hỷ đang
là cử nhân triết học, cái môn học nghe đã thấy trừu tượng, cái môn học
chỉ thấy nói hay nhưng áp dụng lại khó vô cùng. Thêm nữa, ông Hỷ vốn
xuất thân từ... bóng rổ. Trong quản lý thể thao, xuất thân từ môn nào,
thậm chí là chẳng phải là người thể thao cũng chẳng quan trọng. Thế
nhưng, đã đến lúc, bóng đá hãy trả về cho người am hiểu bóng đá. Bóng đá
Việt Nam cần cải tổ, từ chính những vị trí lãnh đạo đầu tiên.
Không hiểu, có lúc nào ông Hỷ tự hỏi, mình đã làm được
những gì cho bóng đá Việt Nam, đáp ứng được mong mỏi của người hâm mộ
hay chưa. Suốt gần 2 nhiệm kỳ ấy, bóng đá Việt Nam tiến bộ đến mức nào
so với khu vực. Điều đó thì có lẽ ai cũng biết, nhưng có vẻ mình ông
không biết.
Thế Kiên
Theo: NgoiSao
Trung tâm đào tạo Marketing Online
Thiết kế website chiến lược
COMMENTS